Các hiệp định thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Thực thi và triển vọng

Các hiệp định thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Thực thi và triển vọng

Tác giả: PGS.TS Bùi Thành Nam Trang, eBook ISBN : 978-604-80-1478-0
Giới thiệu sách
Trong bối cảnh quá trình liên kết và hợp tác kinh tế ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu phát triển mạnh, tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành xu hướng bao trùm. Chủ đề tự do hoá thương mại đã được hiện thực hoá thông qua quá trình hội nhập kinh tế của các nước diễn ra đặc biệt sôi động. Ở quy mô toàn cầu, Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) đã ra đời ngay sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II vào năm 1947. Trải qua 8 vòng đàm phán kể từ khi được thiết lập, GATT đã tham gia điều tiết nền thương mại thế giới một cách hiệu quả cho đến khi được thay thế bằng một tổ chức có mức độ hội nhập cao hơn nhiều là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995. Ở cấp độ khu vực, lần lượt các quốc gia ở khắp các châu lục đã cùng nhau thiết lập lên các khu vực kinh tế với nhiều hình thức hội nhập khác nhau, từ cao đến thấp,… tiếp tục cung cấp những bằng chứng sống động về sự hội nhập kinh tế khu vực đang diễn ra mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, thế giới đang được chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các Hiệp định thương mại tự do FTA, nổi lên như là trào lưu chính của kinh tế thế giới hiện tại. Mục đích của việc ký FTA đối với từng nước có thể khác nhau, tuy nhiên, động cơ xuyên suốt vẫn là lợi ích kinh tế. FTA tạo cơ hội cho các nước tham gia thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường của nhau. Trong trào lưu chung của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, chưa bao giờ việc ký kết các FTA lại diễn ra mạnh mẽ như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang chứa đựng những thành tựu khổng lồ về tăng trưởng kinh tế và thương mại. Mục đích và quyết tâm chính trị chung của các nước châu Á - Thái Bình Dương là duy trì và thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Á phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh tế thế giới. Do vậy, các nước này rất muốn duy trì một hệ thống thương mại toàn cầu mở và ổn định. Mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực đòi hỏi phải thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương cởi mở, tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế nhằm tăng cường lợi ích chung thông qua việc khuyến khích các luồng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và công nghệ giữa các nước. Hơn nữa, nền kinh tế của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang chứa đựng sự đa dạng phong phú, giàu tiềm năng hợp tác do nguồn lực kinh tế cũng như các trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực là rất khác nhau, tính chất bổ sung lẫn nhau là rất lớn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản đan xen với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, các con rồng Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, các con hổ Thái Lan, Malaysia, các nước đang phát triển rất nhanh khác như Việt Nam, Philippines,… làm nên một bức tranh rất đa dạng cho triển vọng hội nhập của khu vực. Với tiềm lực to lớn của mình, châu Á - Thái Bình Dương sẽ kéo cả thế giới đi theo các mục tiêu thư­ơng mại tự do nếu sự hội nhập của khu vực tăng tốc cũng như mức độ hội nhập chặt chẽ hơn nữa. Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Phù hợp với xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác, song phần lớn tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế và chính trị đối với đất nước. Tự do hóa thương mại đã đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập. Nghiên cứu về các Hiệp định Thương mại tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc tìm hiểu những động thái phát triển của hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời kiếm tìm các kinh nghiệm hữu ích cho quá trình hội nhập của đất nước.
Xem thêm >>


Nên đọc

Sách

Loading...